Chiều 25-3 (giờ Việt Nam), tại La Hay (Hà Lan), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân (NSS) lần thứ 3 với sự tham dự của 53 quốc gia và 5 tổ chức quốc tế, trong đó có gần 40 lãnh đạo cấp cao, bao gồm nguyên thủ các cường quốc hạt nhân thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò trung tâm của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong cấu trúc an ninh hạt nhân quốc tế. Việt Nam đã đóng góp tích cực vào các hoạt động của IAEA, cũng như đã sử dụng hiệu quả các trợ giúp của IAEA về an ninh hạt nhân. Trên cương vị thành viên và là Chủ tịch Hội đồng thống đốc IAEA nhiệm kỳ 2013-2014, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức để cùng các đối tác đóng góp tích cực cho việc bảo đảm an ninh hạt nhân trên toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân là mục tiêu chung nhân loại đang hướng tới. Cùng với việc khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp tự nguyện phù hợp với khả năng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, các nước cần có những chương trình, giải pháp cụ thể và phù hợp để hỗ trợ các nước đang phát triển trong lĩnh vực này và tiếp tục tăng cường vai trò của các thể chế đa phương, đặc biệt là IAEA, Liên hợp quốc. * Sáng 25-3 (giờ Việt Nam), bên lề NSS tại Hà Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc trao đổi, tiếp xúc với Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki Moon và Tổng thống Pháp Francois Hollande. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực tham gia đóng góp vào các vấn đề quan trọng đang thu hút sự quan tâm của các thành viên LHQ như: Thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, xây dựng chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, cải tổ LHQ... Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon đánh giá cao nỗ lực và những đóng góp tích cực của Việt Nam vào các vấn đề chung của Liên hợp quốc. Trong trao đổi với Tổng thống Pháp Hollande, hai vị lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược, đặc biệt là sớm hoàn thiện Kế hoạch hành động về quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Pháp, triển khai các biện pháp cụ thể để Năm Việt Nam tại Pháp 2014 thành công tốt đẹp. * Chiều 25-3 (giờ Việt Nam) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến với Hoàng hậu Hà Lan Maxima, đồng thời là Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về tài chính vi mô dành cho phát triển (IFD) và là chuyên gia có uy tín của LHQ về lĩnh vực tài chính vi mô. * Trước đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc với nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước tham dự NSS. Trong trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuyển lời chào đến các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Hai bên bày tỏ vui mừng trước những tiến triển to lớn trong quan hệ hai nước thời gian qua. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đã chỉ đạo Phân ban Việt Nam của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương chuẩn bị tốt để sớm họp và đạt được kết quả tốt nhất. Chủ tịch Tập Cận Bình mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sớm thăm Trung Quốc và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vui vẻ nhận lời mời. Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và hoan nghênh những đóng góp quan trọng của Việt Nam tại các NSS. Về vấn đề TPP, Tổng thống Obama nhấn mạnh về những tiến triển quan trọng đã đạt được và cam kết sẽ có sự linh hoạt và đối xử khác biệt phù hợp với điều kiện Việt Nam; cam kết mở cửa thị trường cho hàng dệt may, da giày, nông thủy sản… Trong cuộc tiếp xúc giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mới của quan hệ hai nước. Thủ tướng Shinzo Abe đánh giá cao kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản vừa qua của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Hai bên sẽ quyết tâm triển khai kết quả chuyến thăm một cách tích cực, hiệu quả. Tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, hy vọng hai nước sẽ sớm kết thúc đàm phán FTA, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước. * Tối 25-3 (giờ Việt Nam), bên lề NSS, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Hai Thủ tướng đã trao đổi về một số biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước, trong đó có việc triển khai dự án "Ngôi nhà Đức" tại TP Hồ Chí Minh và triển khai giai đoạn 2 dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 tại thành phố này. Hai Thủ tướng cũng đã nhất trí chỉ đạo các cơ quan hữu quan hai nước phối hợp chặt chẽ, xây dựng chương trình phong phú và ý nghĩa để kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức vào năm 2015. * Tối 25-3 (giờ Việt Nam), bên lề NSS, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) José Manuel Barroso. Chủ tịch EC Manuel Barroso khẳng định cam kết của EU tiếp tục dành viện trợ cho Việt Nam trong giai đoạn 2014-2020, thể hiện việc EU coi trọng thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Ông Barroso cũng khẳng định sẽ nỗ lực thúc đẩy Nghị viện Châu Âu (EP) và các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU, qua đó chính thức tạo khuôn khổ pháp lý cho quan hệ hai bên, phù hợp với quy mô quan hệ hợp tác và đối tác đang phát triển mạnh mẽ. * Tối 25-3 (giờ Việt Nam), trong cuộc gặp bên lề NSS, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lý Hiển Long nhất trí cho rằng, với việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2013, quan hệ hai nước đang ở vào thời điểm rất thuận lợi, hội tụ đủ những yếu tố để phát triển mạnh mẽ hơn. Hai Thủ tướng nhất trí cùng hợp tác chặt chẽ để thực hiện thành công các nội hàm Đối tác chiến lược. * Tại cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin thay mặt Chính phủ và nhân dân Malaysia gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đối với những nỗ lực của Việt Nam trong việc tìm kiếm máy bay MH370. * Tối 25-3 (giờ Việt Nam), tại Trung tâm Hội nghị Diễn đàn thế giới La Hay (Hà Lan), NSS lần thứ 3 đã chính thức bế mạc với việc thông qua Thông cáo chung của hội nghị. Qua hai ngày làm việc khẩn trương, các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận về các biện pháp tăng cường an ninh hạt nhân, giảm nguy cơ khủng bố hạt nhân và đánh giá tiến bộ đạt được qua các Hội nghị thượng đỉnh tại Washington và Seoul. Các nhà lãnh đạo hài lòng ghi nhận hầu hết các cam kết do các thành viên đưa ra tại các hội nghị trước đều đã được thực hiện. Các quốc gia khẳng định cam kết của mình về các mục tiêu chung giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình… |