Đại diện Việt Nam sau ba trận thua liên tiếp (Al-Zahoa của Lebanon, Martin Varamin của Iran và Oita Miyoshi Weisse Adler của Nhật) nên không lọt vào vòng tứ kết. Việc thiếu thông tin về đối thủ cũng khiến cho Đức Long Gia Lai nói riêng và các đội bóng Việt Nam nói chung gặp khó khi đối đầu với họ. Do không có thông tin nên một số trận đấu và ở một số thời điểm, Đức Long Gia Lai đã bố trí nhân sự không phù hợp, dẫn đến những thất bại đáng tiếc, trong khi lẽ ra chúng ta có thể làm tốt hơn. Đây cũng không phải là câu chuyện riêng của Đức Long Gia Lai, của bóng chuyền mà là của hầu hết các đội thể thao Việt Nam khi tham gia các giải đấu quốc tế. Nhìn vào thành phần của các CLB nước ngoài, không khó để nhận ra sự chuyên nghiệp của họ, khi các đội này đăng ký cả nhân viên phụ trách truyền thông và... “Cameraman” đi theo đội, với mục đích chính là ghi chép, theo dõi và phân tích số liệu từ các đối thủ. Trong khi đó, các đội thể thao ở nước ta vẫn xem đấy là khâu phụ. Để thành công thì người ta cần quan tâm đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Đấy cũng là điều cần bổ sung nơi các đội thể thao của Việt Nam trên bước đường tiến lên chuyên nghiệp.
|