[Thể thao -CATPHCM] - Hãy cứu lấy nền bóng đá Việt

(CATP) Những ngày vừa qua, vụ 9 cầu thủ của đội Ninh Bình khai với cơ quan điều tra của Công an Ninh Bình về việc chơi cá cược ngay trong trận đấu của chính mình tại AFC Cup thắng được 800 triệu đồng, đã nóng đến mức nằm ở vị trí chính của trang nhất nhiều tờ báo chính trị - xã hội. Giờ đây, mọi người đang chờ đợi hai việc: Thứ nhất, pháp luật sẽ xử lý như thế nào với các cầu thủ này? Thứ hai, “tòa án” bóng đá - mà quan tòa là VFF (Liên đoàn bóng đá VN) sẽ xử ra sao?



Về phía pháp luật nói chung, căn cứ vào lời khai của các cầu thủ với cơ quan điều tra, và căn cứ vào việc cơ quan điều tra cho biết các cầu thủ đã nộp đủ lại số tiền thắng độ lên đến 800 triệu đồng, nhiều luật sư đã phân tích và cho rằng quá đủ để khởi tố vụ án về tội đánh bạc theo Bộ luật hình sự. Còn tội tổ chức đánh bạc (ở đây được hiểu là họ có tham gia dàn xếp tỉ số để phục vụ cho việc cá cược của mình hay không) thì cần phải điều tra tiếp tục để làm rõ.

Riêng với “phiên tòa” bóng đá, ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch VFF - đã sớm thể hiện quan điểm, đó là sẽ thuyết phục Ban chấp hành VFF chấp nhận với mức kỷ luật loại các cầu thủ này khỏi đời sống bóng đá. Nói chính xác, đó là bản án treo giò vĩnh viễn. Giờ đây, VFF chỉ còn chờ sự xác nhận của phía cơ quan điều tra về việc các cầu thủ này chơi cá độ đúng như những gì mà báo chí đã đăng, là đã quá đủ để xử lý theo Quy định về kỷ luật mà VFF đã ban hành.

Xung quanh chuyện này, dư luận cũng có nhiều câu hỏi, như: Lương cầu thủ đâu có thấp, khi mức lương tối thiểu theo quy định là 10 triệu đồng/tháng, cao gấp 5 lần mức lương tối thiểu mà nhà nước quy định cho người lao động. Chưa kể, nếu tính cả tiền thưởng, tiền chuyển nhượng..., trên thực tế thu nhập của cầu thủ dự V-League ở VN hiện nay phải đạt con số 40-50 triệu đồng/tháng. Vậy tại sao họ lại còn tham lam kiếm tiền bằng cá cược, dàn xếp tỉ số?

Câu hỏi thứ hai đặt ra là phải chăng vì thiếu giáo dục về đạo đức từ nhỏ, môi trường bóng đá Việt không trong lành nên cầu thủ dễ hư hỏng, sa ngã? Lại cũng từ những vụ án tham nhũng, chúng ta thấy các bị cáo đâu phải là dân ít học, thậm chí được đào tạo nghiêm túc, nhưng vẫn cứ là sa ngã đấy thôi. Thế thì bảo nguyên nhân khiến cầu thủ sa ngã vì ít học, vì ít chú trọng giáo dục đạo đức xem ra cũng không thật thuyết phục.

Vậy thì do đâu? Theo chúng tôi, chúng ta còn quá nhẹ tay với những cầu thủ dính tiêu cực. Ai cũng nói và rất nhiều người khẳng định bóng đá Việt tràn đầy tiêu cực, nhưng thử điểm lại đã có bao nhiêu vụ được lôi ra ánh sáng để nghiêm trị? Rõ ràng là quá ít.

Chúng ta hãy học như người Mã, xử thật nặng những cầu thủ dính tới tiêu cực. Cái đó gọi là “giết” một người để cứu muôn người, mà ở đây là cứu một nền bóng đá vậy.