[Pháp luật -Báo CA Đà Nẵng] - Nét đẹp công an Đà Nẵng

(Cadn.com.vn) - Câu chuyện xúc động xảy ra cách đây gần 1 năm, nhưng mãi đến ngày 2-4, trong buổi làm việc với CSKV của 5 phường trên địa bàn Q. Liên Chiểu (Đà Nẵng), tôi mới được nghe kể lại. Chuyện tưởng như không có gì ấy lại là một biểu hiện đẹp, thể hiện tinh thần trách nhiệm của người chiến sĩ CAND.

Chuyện rằng, trưa một ngày đầu hè 2013, trời khá nóng bức, trực ban CAQ Liên Chiểu có khách. Đó là đôi vợ chồng già tuổi gần 80 đến để nhờ tìm địa chỉ... Đích thân Trưởng CAQ Liên Chiểu, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng cùng trực ban tiếp chuyện.

Qua lời kể của đôi vợ chồng già, họ nguyên là giảng viên đại học đã nghỉ hưu, hiện ở Hà Nội. Qua phương tiện thông tin đại chúng, họ được biết Đà Nẵng những năm gần đây phát triển vượt bậc, trở thành một trong những thành phố có môi trường sống khá thân thiện, con người hiền hòa hiếu khách, có phong cảnh thiên nhiên hữu tình với những bờ biển đẹp... nên quyết định bay vào đây du lịch.

Xuống đến sân bay Đà Nẵng, họ gọi xe ôm chở đi tìm khách sạn có giá cả phải chăng, an ninh tốt, đặc biệt là gần biển để thỏa thích hít thở không khí trong lành và được tắm biển. Với thái độ hiếu khách, xe ôm đã ân cần, nhiệt tình chở họ đến khách sạn nằm trên đường Lý Thái Tổ.

Sáng hôm sau, đôi vợ chồng già dậy sớm rồi tự đón xe ôm, nhờ chở ra bãi biển để tắm. Lúc quay về lại khách sạn, họ quên mất địa chỉ, tên khách sạn nên nhờ xe ôm chở đi tìm suốt buổi sáng mà vẫn không thấy. Cuối cùng, xe ôm đành chở họ vào trụ sở CAQ Liên Chiểu để nhờ tìm giúp.

Thấu hiểu được tâm trạng hoang mang, âu lo của đôi vợ chồng già, một mặt cử người liên lạc các khách sạn để hỏi thăm, mặt khác, trời cũng đã quá trưa nên Trưởng CAQ Liên Chiểu mời cả hai dùng cơm nhưng họ từ chối vì chẳng còn bụng dạ nào...

Các khách sạn thông báo không có 2 vị khách nào có tên, quê quán như đôi vợ chồng nọ đến lưu trú, đôi vợ chồng già âu lo, sốt ruột. Lãnh đạo CAQ Liên Chiểu quyết định cử CBCS chở người chồng lên sân bay để tìm gặp người xe ôm hôm trước nhằm hỏi địa chỉ, tên khách sạn. Nhờ sự nhiệt tình ấy, cuối cùng, CBCS CAQ Liên Chiểu đã tìm ra được khách sạn mà họ đang lưu trú.

Vợ chồng cựu giảng viên già vô cùng xúc động, cảm ơn lực lượng CAQ Liên Chiểu đã nhiệt tình giúp đỡ. Họ bộc bạch với lãnh đạo CAQ Liên Chiểu rằng (đại ý): "Chúng tôi đã nghe nói nhiều về Đà Nẵng, nhưng hôm nay, khi được các anh giúp đỡ nhiệt tình, chúng tôi mới cảm nhận hết được những điều mình đã nghe...".


CBCS CAQ Liên Chiểu và CAP Hòa Khánh Nam đang băng bó vết thương cho đối tượng phạm tội...

Kết thúc câu chuyện, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Văn hóa ứng xử trong khi giao tiếp với nhân dân, kể cả với đối tượng phạm tội rất quan trọng. Đối với người dân, thái độ nhiệt tình, hòa nhã, văn minh, lịch sự của mỗi CBCS CAND sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp, giúp dân hiểu và thêm tin yêu lực lượng CAND; trở thành tai mắt của CA trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Đối với tội phạm, thái độ ứng xử của chúng ta trong quá trình lấy lời khai cũng quyết định không nhỏ đến sự hợp tác của đối tượng, khiến đối tượng tâm phục, khẩu phục về hình ảnh người chiến sĩ CAND...".

Tiếp đó, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng khen thái độ ứng xử của đại úy Lê Thị Thủy - Phó CAP Hòa Khánh Nam- trong quá trình lấy lời khai đối tượng ra tay sát hại cha ruột xảy ra chiều 1-4 vừa qua. Đại tá Hùng cho rằng, chính thái độ nhẹ nhàng, nắm bắt được tâm lý đối tượng của chị Thủy đã giúp đối tượng trấn tĩnh tinh thần, có thái độ hợp tác với lực lượng chức năng, thành thực khai báo hành vi phạm tội.

Còn nhớ cách đây không lâu, CAQ Liên Chiểu phá thành công chuyên án mại dâm. Lúc đó cũng đã hơn 8 giờ tối, tôi có mặt tại trụ sở để tiếp xúc đối tượng viết bài. Khi nghe một "kiều nữ" kể về quá trình sa chân, Thượng tá Quách Văn Dũng- Phó CAQ Liên Chiểu- không khỏi xót xa. Anh cau mày nói: "Nghĩ chi mà dại rứa hả? Xinh đẹp như ri, khó chi đến chuyện kiếm một tấm chồng mà phải đi làm cái công việc này? Dại quá đi!".

Có tận mắt chứng kiến, mới thấy đó là những lời nói chân tình, thể hiện sự xót xa của một người lớn tuổi trước suy nghĩ dại dột, trước sự sa ngã của lớp trẻ... Chính những điều giản dị như vậy đã chạm đến trái tim đối tượng, khiến họ cảm thấy những việc mình làm thật sự là tội, lỗi...

Gần 20 năm gắn bó với báo ngành, nhiều lần theo chân CBCS CAQ Liên Chiểu đi đánh án, tiếp xúc với nhiều loại tội phạm khác nhau, tôi phần nào hiểu được công việc của họ. Đa phần tội phạm khi bị bắt, luôn tìm cách để chối tội, vòng vo, đánh lạc hướng CQĐT.

Thậm chí có đối tượng còn thực hiện chiêu bài bất hợp tác với thái độ xấc xược, nghênh ngang. Áp lực công việc cùng với những ngày đêm TTKS, khám phá án, khiến CBCS đôi lúc mệt nhoài, chỉ cần thiếu bình tĩnh, thiếu kiềm chế trước một thái độ "gây sự" của tội phạm, người chiến sĩ CA (đặc biệt là lính trẻ) sẽ không tránh khỏi sự nổi nóng, thiếu kiềm chế...

Chính vì thế, hơn bao giờ hết, người chiến sĩ CAND phải luôn giữ vững được bản lĩnh, phẩm chất của mình. Đặc biệt, để xây dựng được hình ảnh của người chiến sĩ CAND hết lòng vì dân phục vụ, trong quá trình tiếp xúc với dân hay khi đối mặt với tội phạm, ngoài bản lĩnh, kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp, họ phải luôn thể hiện đúng lễ tiết, tác phong, sự hòa nhã, lịch sự, văn minh, phải tận tâm, nhiệt thành. Có như vậy, mới để lại ấn tượng đẹp trong mắt dân và khiến đối tượng khuất phục. Ấy chính là văn hóa ứng xử của người chiến sĩ CAND!

P.Thủy