PN - Tìm mà tôi cứ lo không gặp vì nghe đâu bà Minh Mẫn đã vào Sài Gòn ở với con. Từ học giả Bửu Ý đến cô sinh viên âm nhạc tôi tình cờ gặp đều nói, ở Huế chừ ca cổ chỉ còn mình bà là thuộc hết các bản cổ, lại thủ đắc bản Ngũ đối thượng - một tác phẩm âm nhạc Phật giáo, tuyệt không có người thứ hai ca nổi.
Nghệ nhân Minh Mẫn rất tâm tư về cách hát, cách diễn ca Huế hiện nay Căn nhà bà đang ở thấp lè tè, nóng như nung, trong một kiệt nhỏ đường Nhật Lệ, Thành nội. Bà ăn cơm trên giường. “Mệ bị gãy xương, đi lại khó lắm”. Cô con gái bà kể, giọng như có nước mắt. Bà nói thêm: “Mệ có tám bệnh, nặng nhất là xương sống, bác sĩ nói muốn chữa phải mất 24 triệu, tiền mô ra?". Tôi nhìn mâm cơm. Chút cá kho và trái cà nướng. Ngồi gần, mấy lần tôi nhìn sâu vào mắt bà, không hề có một vết đục, lại như có đóm, mà nhân tướng học bảo đó là mắt của bậc quái kiệt kiểu Văn Cao, Bùi Giáng. “Ngày hội Âm sắc Hương Bình dịp festival này, tôn vinh ca Huế, họ có mời mệ không?”. “Không nghe nói”. Mười tuổi bà đã biết nghe ca, trốn học chữ để theo nghe ca, cơm nước chi cũng bỏ, nên ba của bà cấm tiệt. Bà học ở Ngự Viên, người dạy là cậu của vua Bảo Đại. “May mà có ông này rồi ông hiệu trưởng biên thư cho ông tôi, không thì đừng hòng…”. Bà nhớ lại. “Hồi trước, ca Huế mạnh lắm, sang lắm. Sang ở đây không phải vàng bạc, đón đưa, mà là được tri âm tri kỷ đón nhận. Thuê cái đò, chèo xuống Gia Hội, Đông Ba, chèo miết lên Linh Mụ. Ba đờn, một ca, vài bạn nghe, cứ rứa mà đờn ca, khi mô mệt thì thôi. Thuyền càng nhỏ, ca càng hay, vì om mui thuyền, đóng cửa lại, không bị gió nên giọng không loãng mà ấm. Mưa ca càng hay. Nắng thì chèo tới cửa Thuận mà chèo lên. Bạn nghe là khách sành nhạc, có hay mấy cũng không kêu lên, bởi đó là cấm kỵ. Chừ ca trên thuyền rồng, hay mấy cũng thành dở, vì như sân khấu, hay chi”. “Mệ có đi dạy không?”. “Mấy năm trước dạy cho mấy cháu trẻ mồ côi. Dạy mỗi tuần hai tiết, một tiết 250.000đ. Làm thầy mà học trò chẳng đứa nào tốt nghiệp, bởi nó có học riêng nhạc đâu, mà ca Huế thì đâu có kiểu dạy như rứa. Còn đệ tử ruột hả? Có cô Diệu Huê, nay đã 50 tuổi, nhưng cũng chưa học hết được. Thời buổi này, ai theo ca Huế đến hết đời làm chi”. Nghệ sĩ Thanh Tâm Đi Huế, không nghe ca Huế, coi như chưa tới Huế. Slogan truyền miệng đó khiến khách thập phương khi có dịp thì phải một lần xuống thuyền rồng sông Hương mà nghe ca. Hơn 20 chiếc. Đội ngũ “ca sĩ” có hơn 400 người. Răng mà đông rứa? Có lần tôi buột miệng hỏi một đồng nghiệp ở Huế. Anh trả lời bằng cách xìa xìa hai ngón tay, nghĩa là "tiền tiền". Rồi nạn cò mồi, tranh giành khách, ép khách mua hoa nhựa tặng nghệ sĩ… Chẳng ai có thể ngờ, có ngày ca Huế - đặc sản xứ Thần kinh - lâm vào cảnh này. Festival Huế 2014 có đêm tôn vinh ca Huế, nên mấy tuần trước đó, chính quyền ra quân chấn chỉnh ca Huế. Nhưng khách xuống nghe ca có sành không, có biết ca sĩ ca đúng, sai không? “Mệ dám nói là không! Ca bậy, thêm bậy nhiều lắm, luyến láy, nhả chữ, ém hơi loạn lên, chẳng theo ngạch ngữ mô hết” - bà cố nén giọng nhưng không giấu được bực bội. “Mình góp ý thì bị chửi: răng mà khó rứa! Theo học mình, cũng kêu răng dạy khó rứa, khó tính quá. Trời Phật ơi, ca Huế mà không khó thì âm nhạc mô khó đây? Ca Huế chỉ có người Huế học và ca đúng, còn vùng khác thì chắc chắn không được. Mà không phải người Huế nào cũng ca được, ca đúng, ca hay. Ca sĩ trẻ chừ đẹp lắm, nhiều cô còn có hơi đẹp, giọng đẹp, nhưng sành nghe sẽ biết ca trật hết, từ trật điệu đến trật láy, đang hát bỗng nhiên xìa vào một chữ lạ hoắc. Hồi đó, mệ muốn ca được điệu Nam Xuân, phải học ba thầy”. “Lỗi tại người nghe hả mệ?”. “Cả khách lẫn chủ. Khách thì tò mò, chủ thì cần tiền”. “Một trong năm điều cấm kỵ của ca Huế là “nhân bất thính bất đàn” (người không nghe được là không đàn), rứa thì lỗi của ca sĩ chứ ?”. “Ừ, nhưng chừ cần tiền chứ cần chi cấm kỵ. Nghe không hiểu, thì nghe làm chi? Thấy họ xuống nghe, mình cũng xuống, nhưng như đàn gảy tai trâu, vịt lội hồ sen chứ biết chi”. Ca Huế trên sông Hương gây không ít hiểu nhầm về ca Huế Bà kể, bà quen nhạc sĩ Phạm Duy lâu lắm, cái thời bà chở gạo đi bán, nhạc sĩ chặn đường, xuống đò, ca đã đời rồi mới về. “Cách đây ba năm, nhạc sĩ Phạm Duy về thăm mệ, thuê cái đò xuống tới Bao Vinh, mệ ca Tứ đại cảnh, Nam Bình. Vui với nhau chưa được một giờ thì chia tay. Phạm Duy nói Mẫn ơi nhớ thời trước quá chừng. Chia tay mà chảy nước mắt, thấy đời nghệ sĩ không ra chi hết. Nhớ ông Trần Văn Khê nói khi nào bà ca bản Góa phụ gửi cho tôi xin, nghe bản đó buồn thương lắm. Đời nghệ sĩ khác chi góa phụ”. “Lãnh đạo tỉnh có ông mô đến nhà mệ lần mô chưa ?”. “Làm chi có. À, cậu đi gặp Thanh Tâm đi, giọng ca nhứt Huế, nhứt Việt Nam đó”. Người xưa có câu “biệt nhãn liên tài”. Bậc tài tình trong thiên hạ, đúng thứ thiệt, chẳng bao giờ “dìm hàng”, tiếng bấc tiếng chì về nhau. Cô Thanh Tâm thì nói cô Mẫn siêu lắm. Nghệ sĩ Thanh Tâm, tên tuổi có khi châu Âu lại biết nhiều hơn Việt Nam, bởi cô từng mười năm liên tục biểu diễn ở nước ngoài, do nước ngoài mời chứ không phải ta đưa đi. Khác với bà Mẫn, cô là con gái nghệ nhân Phan Hữu Lễ, tay trống giỏi nhất thời Khải Định, chuyên đánh trong đội tuồng Thanh Bình Thự. Mẹ cô cũng là con hát trong nội, nên 12 tuổi cô vào nội, bén duyên cầm ca nhờ thọ giáo với nghệ nhân Đinh Hữu Khai. 14 tuổi cô đã hát trên đài phát thanh, rành rõi từ tuồng đến ca Huế. Thời khó khăn, cô còn đóng vai Thị Kính, Cúc Hoa trong tuồng. “Ai ngờ ca Huế từ phụ chuyển qua chính”. Cái sự ngờ từ cô, có lẽ sẽ day dứt đến khi nhắm mắt xuôi tay. Cô đi Hà Lan, Pháp, Thụy Điển biểu diễn, họ tặng danh hiệu “giọng ca vàng”. Ở Huế thì có người nói cô là “giọng ca phù thủy”, là “Bà hoàng ca Huế”, muốn nghe ca cổ thì gặp Minh Mẫn, đài các sang trọng thì tới Thanh Tâm. Lần đầu tiên, tôi nghe ca Huế thứ thiệt, không đờn sáo từ danh ca mà tên tuổi đã in vào tâm khảm bao thế hệ biết thưởng thức ca Huế. “Cô không xuống thuyền hát à ?”. “Cô bỏ 15 năm rồi, không thể hát như rứa được. Phức tạp, bậy bạ lắm, chẳng bài bản chi hết”. Cô kể: “Cô dạy trong trường âm nhạc, cho điểm thấp vì học tệ quá, thì bị la răng mà cho điểm thấp rứa? Sinh viên nó bỏ tiền ra học đấy! Nghe mà lắc đầu không nổi”. Cô nói, cô không xuống thuyền ca, vì ở đó, chính mình khinh mình. Những cấm kỵ của nghề, không dễ cho mình vượt qua. “Mình còn dễ, chứ bà Minh Mẫn, hễ ca mà có ai nói chuyện là bà dừng phách, bỏ ca liền. Ca thì nghiêm cẩn lắm. Có câu “Chiếu bất tịch bất đàn” (chiếu không ngay ngắn, không đàn). CLB ca Huế do ông Võ Quê lập ra mới đây, là cố gắng bảo tồn ca Huế, nhưng ai biết nhìn biết nghe sẽ đồng ý với cô là bảo tồn cái chi, nếu ăn mặc không đúng truyền thống, không nghiêm túc, chưa nói đến ca. Ai cho phép ca sĩ mặc áo dài mà rộng cổ, khoét cổ? Phải là cổ kín. Người đờn thì xắn tay áo lên. Ai cho? Đội khăn vành mà xõa tóc. Quá lạ kỳ! Ca hay dở chưa bàn, nhưng phải đúng, từ ngữ phải nhịp nhàng, đúng tông, chứ hát cái chi mà như ma đuổi. Mà nói có ai nghe đâu. Còn tôn vinh hả? Chắc cũng chỉ mời lên hát, cho quà, xong ai về nhà nấy. Mình 57 năm trong nghề, xin cái giấy khen cho con cháu sau này biết bà nó cũng có đóng góp với nghệ thuật, nhưng có ai cho đâu. Kêu làm hồ sơ vào Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nộp lên thì nói không được vì quá tuổi . Bảo tồn chi được, khi không có ai theo học, chịu sống chết với nghề; người dạy thì không được đãi ngộ, giúp đỡ để yên tâm truyền nghề. Có lần nghệ sĩ Kim Cương ra đây, ca xong, cô nói: Kim Cương ơi, sao đời mình buồn quá? Kim Cương nói: kiếp cầm ca là thế, có buồn tủi mới nấc lên được tiếng lòng, mới rơi được nước mắt trên sân khấu. Biết bao nhiêu năm cô khóc từng đêm, mong ước lớn nhất của kiếp cầm ca là ca chứ ưng cái chi bây chừ. Còn truyền nhân hả? Không có, nên chết cũng không yên lòng”. Nghệ nhân Minh Mẫn đang ở tuổi gần đất xa trời Ca Huế kén người nghe, cần bạn tri âm như Bá Nha - Tử Kỳ. Tôn vinh họ, muộn quá rồi, khi di sản tinh thần, khi ca Huế thứ thiệt giờ như tơ nhện vương trời trong cơn bão kim tiền, trong kiểu tư duy làm văn hóa hành chính, thời vụ. Bao nhiêu “báu vật sống” đã ra đi trong đói nghèo, cơ cực xót xa, mang xuống tuyền đài những tinh hoa, mà vắng bóng họ, không ai có thể làm sống lại. Lê Trung Việt |